Thứ Ba, 11 tháng 10, 2011

Bên cầu dệt lụa” làm nức lòng khán giả
















Bên cầu dệt lụa” làm nức lòng khán giả

(NNT) - Trước tình hình bộ môn nghệ thuật dân tộc đang dần bị lãng quên và mất đi sự thu hút với khán giả, nhà hát cải lương Trần Hữu Trang cùng Trung tâm truyền hình cáp HTVC đã xây dựng lại những vở cải lương đã từng giành được nhiều tình cảm của khán giả.

“Bên cầu dệt lụa” là một trong những vở diễn đã ghi dấu ấn trong lòng công chúng ở thời kỳ hoàng kim của cải lương, nay được phục dựng lại gần gũi hơn với khán giả trẻ. Vở diễn vừa được diễn ra tại nhà hát Thành phố với sự quan tâm của đông đảo khán giả và cả những nghệ sĩ.

Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2011

"Bên cầu dệt lụa" vẫn giàu sức sống









(SGGPO).– Tối 7-10, tại Nhà hát thành phố Hồ Chí Minh, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang phối hợp cùng Trung tâm Truyền hình cáp HTVC, Đài Truyền hình TPHCM tái công diễn vở cải lương "Bên cầu dệt lụa" (tác giả Thế Châu, đạo diễn: NSƯT Trần Ngọc Giàu). Đây là vở cải lương thứ hai trong dự án mà hai đơn vị này phối hợp thực hiện nhằm góp phần bảo tồn và tôn vinh giá trị của những vở cải lương vang bóng một thời, được bao thế hệ công chúng mộ điệu.Vở Bên cầu dệt lụa được tác giả Thế Châu viết vào năm 1976 và được Đoàn cải lương Thanh Minh – Thanh Nga dàn dựng thành công trên sàn diễn thành phố, góp phần tạo nên tên tuổi của các nghệ sĩ: NSƯT Thanh Nga, NSƯT Thanh Sang, nghệ sĩ Thanh Tú…

Trong lần tái dựng này, NSƯT Thanh Ngân vào vai Quỳnh Nga, nghệ sĩ Trọng Phúc vai Trần Minh, Hoàng Nhất vai Nhuận Điền, Lê Hồng Thắm vai Công chúa Bích Vân… Các nghệ sĩ trẻ này đã góp phần mang lại sự tươi mới cho vở diễn "Bên cầu dệt lụa", làm cho vở diễn vẫn giàu sức sống, lay động tình cảm của công chúng mộ điệu hôm nay qua câu chuyện tình đầy gian truân, thử thách và chung thủy của đôi trai tài gái sắc Trần Minh – Quỳnh Nga!

Điều khá đặc biệt, trước khi công diễn vở "Bên cầu dệt lụa" vào lúc 20 giờ, từ 18 giờ 30, Ban tổ chức đã bố trí các nghệ nhân chơi đờn ca tài tử, hình ảnh của nàng Quỳnh Nga ngồi quay tơ, dệt lụa… ở trước sảnh Nhà hát thành phố đã tạo nên sự thích thú cho khán giả, nhất là khán giả trẻ và giới nghệ sĩ. Bên cạnh đó, trước sảnh Nhà hát thành phố, Ban Tổ chức còn trưng bày nhiều hình ảnh của các vở cải lương xưa cũng thu hút nhiều công chúng chiêm ngưỡng, hoài niệm…

Thứ Hai, 3 tháng 10, 2011

SÂN KHẤU VỀ KHUYA- ĐÁNG ĐƯỢC BẢO LƯU!


Giáng Hương-Mỹ Châu qua tầm nhìn khán giả, là 1 cô đào hát trung niên, 1 ngôi sao cải lương bậc nhất trời nam; lại là 1 cá thể vui tính, lac quan, "cái vui là tánh trời cho những cô đào"(bản lý phước kiến);bình dị, thân mật, tự tin...đó là bản chất. Điều đáng ngưởng mộ ở Giáng Hương hiển thị ở cái tâm yêu nghề, xả thân cho nghiệp tổ để phụng sự khán giả ân nhân; cô là điển hình những nghệ sĩ chân chính. Tục ngữ có câu: "người ta chết vì thịnh danh"! Giáng Hương mất nhà, mất xe, mất luôn cả chồng (Lĩnh Nam) vào tay 1 người đàn bà giàu tiền(nhờ lấy mỹ) nhưng nghèo nhân cách. Cô ta(Mỹ Tiên) tung số bạc to giúp Lĩnh Nam lập 1 đại ban với đường lối giải trí, câu khách rẻ tiền phi nghệ thuật; trong lúc ấy đoàn hát chính kịch của Giáng Hương bị khủng hoảng tài chính, có nguy cơ tan rả. " Anh Nam đã bị quyền lực của tiền bạc lôi cuốn vào 1 mê cung không có lối thoát, nghệ thuật đã lùi vào bóng tối", Giáng Hương phiền muộn tâm sự cùng Quốc sơn, 1 người bạn thân cận. Từ cảnh thái tươi vui, cô bị lôi vào chuyện cải vả với Lĩnh nam và Mỹ Tiên về vai diễn , vở diễn, ghen tuông, đau khổ, thất vọng , tuyệt vọng...Trạng thái tâm lý biến chuyển nhuần nhuyển qua ành mắt, cơ mặt, sắc mặt...Mỹ Châu đã diễn rất máu lữa qua ngôn phong sắc bén, đắt giá, ngồn ngộn tính nhân văn, khúc triết, thâm thúy đến nao lòng. Lớp đặc sắc nhất: Lĩnh nam, Mỹ Tiên công khai tuyên bố sẽ thành hôn. Giáng Hương:"Cậu yêu cái này được sao? nhìn kỷ lại, cái này là tiêu biểu cho những gì cậu ghét nhất ở 1 người đàn bà; và làm sao cậu có thể nhét người này vào trái tim cậu được khi nó có 1 sân khấu đang nằm trong ấy; và sân khấu đó là tôi, là tôi..."

Văn chương của bác Năm Châu trác tuyệt; nó chẳng những nâng nội dung kịch bản lên tầm cao siêu, mà lại là chất men nghệ thuật tác động khẩn cấp, lan tỏa, thâm nhập tâm cảm người diễn khiến họ nhập hồn nhân vật và thể hiện theo như sự thôi miên, mộng du. Và Mỹ Châu và các diễn viên khác đã cùng nhau thêu dệt nên 1 tổng thể trình thức, càng xem càng ngây ngất. Sự ngây ngất dễ gây nên ào giác từ người xem. Không còn là Mỹ Châu, Trọng Phúc, Tuyết Ngân mà hiển hiện 1 Giáng Hương bị thương, 1 Lĩnh Nam mê muội, 1 Mỹ Tiên trơ tráo.

Lĩnh Nam: đời tư của tôi không bao giờ lệ thuộc công chúng/ Giáng Hương: bạc bẽo, vô ơn! Công chúng đã đẻ ra cậu, cậu phải trả ơn cho công chúng. Những tác phẩm cậu diễn, quần áo cậu mặc, chiếc xe cậu đi, cái nhà cậu ở là của công chúng cho cậu... Cả đến sự lựa chọn nhân tình hay vợ cậu cũng phải làm theo ý công chúng... Toàn là những câu thoại tả thực, thâm sâu lay động cả 2 phía: khán giả và diễn viên để sinh ra hiệu ứng 2 chiều: cảm thụ cao, cống hiến đặc sắc.

Sự mù quáng và đồng bóng của Lĩnh Nam và Mỹ Tiên đẩy Giáng Hương đến trạng thái suy sụp và tuyệt vọng. Mấy câu vọng cổ 1,2,3 Mỹ Châu thi triển rất nảo nùng xót xa vừa đạt độ cao bi thảm, vừa giải mả trọn vẹn nội dung ca từ, lại vừa đạt đến kỹ thuật sắc bén bộ nhịp, tưởng như chưa bao giờ cô ca tài tình như vậy.

Lĩnh Nam chạy theo Mỹ Tiên, Giáng Hương như mất tất cả: người chồng thương yêu, người bạn diễn đẹp đôi; 1 đoàn hát nguy cơ tan rả; 50 người lâu năm gắn bó với vợ chồng nàng trước nguy cơ thất nghiệp; lại còn vụ kiện mà thế thất nghiêng về kẻ đang khánh tận vật chất lẫn tinh thần. Mỹ Châu đã rất nhuần nhuyễn đắm mình vào bi kich đời nghệ sĩ Giáng Hương kiêm bầu gánh, nặng oằn trách nhiệm với gia đình, tổ nghiệp, tập thể cộng tác. Mảng hiện thực tối tăm của hậu trường sân khấu được Mỹ Châu giới thiệu-triển lãm qua diễn ca gây nên niềm thương cảm lớn cho những ai hằng tâm với nghệ thuật sàn diễn.

Sự hữu hạn của sức chịu đựng nảy sinh áp lực khiến Giáng Hương rủ bỏ tất cả, giã từ đời sân khấu:"Tôi muốn được đưa nắm tay thật cao để gởi lời chào biết ơn bao khán giả tri ân đã hằng mấy muơi năm ái mộ..." Mỹ Châu mức nở với 2 câu vọng cổ 5,6 nghe mà tái tê thương cảm.

Vương mang nghiệp tổ, nói bỏ là bỏ được chăng? Hai người giúp việc đoàn hát là chị Sáu và Ba Hoài rất trung thành,luôn cảm thông, an ủi cô chủ thân yêu, cùng gắn bó cận kề cô trong cơn bỉ cực bằng tấm tình chân chất, bộc trực. Khuyên bảo cạn lời mà Giáng hương vẫn cương quyết cất bước ra đi, Ba Hoài kêu lên: "Mợ"!... rồi gọi giật giọng: "Giáng Hương"! tiếng thét như cái thắng buộc Giáng Hương phải dừng bước, nhạc tân trổ lên rộn rả. Giáng Hương tròn mắt ngạc nhiên quay đầu lại. Xưa nay vẫn gọi là mợ, cớ sao Ba Hoài dám gọi như thét cái tên Giáng Hương? chính Ba Hoài cũng tròn mắt ngac nhiên chết lặng vì lỡ lời, thô bạo gọi tên người mình kính trọng bấy lâu 1 cách sổ sàng giận dữ. Giáng Hương-Mỹ Châu định tiếp tục cất bước; nhưng sự kinh ngạc chưa vơi(với đôi mắt mở to nhìn theo góc hình nghiêng-phiến diện). Một khoảng khắc tuyệt đẹp về diễn xuất tạo hình cũng như ghi hình! Một lớp diễn bằng vàng của Mỹ Châu và Hữu Tài, dù chỉ trong tích tắc mấy giây với 2 lần quay đầu nhìn 3 Hoài!

Giáng Hương:... Tôi, trước hết, tôi phải lo hạnh phúc của riêng tôi...tôi sống với cuộc đời người đàn bà thường/ Ba Hoài: Người đàn bà thường đó không có, chỉ có Giáng Hương của sân khấu mà thôi/ cái tên Giáng Hương không phải của mợ làm ra, mà là của những người xung quanh mợ,trong đó chị sáu và tôi là những kẻ vô danh. Mợ phải sống và chết ở đây, dưới ánh đèn sân khấu này.

Lớp diễn tuyệt đến nổi có cảm giác không phải lời của Ba Hoài "lên lớp" Giáng Hương, mà chính tổ nghiệp hiển linh mượn phàm khẩu của Ba Hoài mà "thay lời muốn nói". Giáng Hương đánh rơi chiếc ví trong tâm trạng khích động của sự bừng tỉnh trước tia sáng cuối đường hầm, Ba Hoài trân trọng trao tay cô chủ quyển kịch bản: Đây vở kịch, là sự sống của đoàn. Mợ trở lại, can đảm lên! 50 người sau lưng mợ, hàng vạn người trước mặt mợ. Mợ sẽ thành công; cậu Nam thất bại, rồi sẽ trở lại.

Những câu thoại hay được dẫn chứng nhiều trong bài, bởi văn phong soạn giả gắn chặt cá tính nhân vật; 1 phong cách văn ẩn chứa chất xúc tác của kịch tính gợi khơi hành động (diễn).

Có thể mạnh dạn nói rằng: Giáng Hương là vai để đời danh giá nhất sự nghiệp sân khấu của Mỹ Châu. Và nếu so sánh với Giáng Hương-Thanh Nga, thiết nghỉ không còn từ nào chính xác hơn là, kẻ tuyệt vời, người tuyệt diệu!

Lĩnh Nam-qua khẩu ngôn của Giáng Hương-là 1 chàng kép điển trai vô song, xứng hợp với các nhân vật "hiệp sĩ anh hùng",những trang mã thượng phong lưu tình tứ vô cùng... gương mặt cậu đẹp như Tống Ngọc, Trường Khanh... Mổi khi cậu cất giọng ca như chuông vàng ngân trên điện Thánh (câu vọng cổ số 1). Ngẩm ra thích hợp nhất với vai Lĩnh Nam, không ai đủ chuẩn bằng Trọng Phúc và Kim Tiểu Long. Trọng Phúc đã đảm nhận vai Lĩnh Nam với giọng hát như chuông vàng ngân trên điện Thánh. Trọng Phúc ca truyền cảm sắc sảo hấp dẫn, mang tầm vóc của Hữu Phước, Hà Bửu Tân. Về diễn xuất của Phúc, cố tìm chổ yếu để góp ý, nhưng "hổng có";bởi, có lẽ như trình thức diễn xuất đã được lập thành. Và trong trình thức ấy có mấy nét diễn khiến tôi phải...cười. Đó là lúc Mỹ Tiên vừa đến nhà, Lĩnh Nam thật "hí hửng" cười chào, nét "hí hửng" rất trai tơ của 1 người đàn ông "dạn tình".

Tuyết Ngân vào vai Mỹ Tiên, thoạt xuất hiện, xuýt nhận không ra nếu không đọc bảng phân vai trên generique. Tuyết Ngân sáng hẳn lên với phục trang thích hợp với nhân vật và thể hình của diễn viên. Tuyết Ngân như lột bỏ cái sắc, cái thần của các vai chính diện cố hửu để trở thành cô me mỹ dày dạn kiểu sát thủ tình trường. So với Mỹ Tiên-Ngọc Giàu khi xưa, Tuyết Ngân chẳng kém tí nào từ ca đến diễn, từ diễn nội tâm, đến biểu lộ ngoại hình qua mắt, môi, cơ mặt, tay chân như 1 tổng thể nhất quán, sôi động. Về ca, Ngân điêu luyện các thể loại trong vai. Hấp dẫn nhất là lớp đảo ngủ cung thi thố cùng Mỹ Châu. Bản ca được thiết kế đúng kịch huống, ca từ gảy gọn, sắc bén. Cả hai đã mặt tình thao túng cung đàn, khung nhịp bằng hơi giọng chuẩn, dồn chữ, nhảy lót...Qua vai này, Tuyết Ngân đã tiến 1 bước dài.

Cúc Lan Hương của Phượng Loan xuất hiện ít, nhưng cô đã kịp ghi lại tiềm năng diễn lẵng. Từ lớp ca diễn bản Lạc âm thiều( giới thiệu tài năng trước Giáng Hương) đến hí lộng lớp bi(chồng chết) thành hài 1 cách lố lăng- mà duyên dáng-gây ấn tượng tốt,kéo giảm chất bi của vở, làm tiền đề cho cuộc tái hợp của Giáng Hương-Lĩnh nam; nhưng cũng đồng thời lớp diễn trên gây "nhột" cho những ai ngộ nhận về ... phương pháp thể hiện.

Quốc Sơn của Đức Minh là 1 quý ông giàu có, hiền lành, yêu nghệ thuật cải lương, mê Giáng Hương qua hình tượng nhân vật mà không hề gợn chút tà ý. Giáng Hương và Lĩnh Nam đều hiểu rõ tâm tính của Quốc Sơn nên xem ông ta như thân nhân. Mấy câu chót bản lý phước kiến:"Giáng Hương! thế gian cũng chẳng thiếu chi những tay chỉ đợi chợ chiều mà đi, tìm mua những trái mơ".

Toàn nhũng ca từ mang tính ẩn dụ thay lời nói trực diện cùng thần tượng. Đức Minh đã trình diễn 1 Quốc Sơn tốt bụng, chung tình với cải lương lúc thịnh lúc suy, cũng như với đôi bạn Lĩnh Nam-Giáng Hương. Thái độ phù suy của Quốc Sơn: khi đoàn hát lâm nguy, Lĩnh nam bỏ đi, Giáng Hương chồng chất nợ nần, ông vẫn tiếp cận động viên, giúp đỡ Giáng Hương chân thành, bất vụ lợi. Vai diễn như tạo tác riêng cho Đức Minh với bản chất hiền hòa, trầm lặng. Anh đã ca diễn chuẩn mực, rất đạt với làn hơi đẹp, êm đềm như dòng phù sa âm thầm chảy từ thượng nguồn về biển cả để bồi đắp bến bờ nghệ thuật; 1 sự cống hiến không cần khoa trương; yêu nghề, theo nghề như 1 duyên mệnh, tổ nghiệp ban bao nhiêu, hưởng bấy nhiêu; cưởng cầu chắc đâu được. Quốc Sơn cũng lành tính như Đức Minh. Đáng lẽ thấy Mỹ Tiên áp đảo, lấn lướt Giáng Hương, Quốc Sơn phải động nộ và bảy tỏ thái độ. Nhưng cho đó là chuyện riêng tư của đàn bà-có lẻ ông nghỉ vậy-nên chỉ hết lòng giúp đỡ Giáng Hương. Vì động đến Mỹ Tiên e mích lòng Lĩnh Nam. Quốc Sơn của Đức Minh hiền hòa thế ấy, nhưng lại đầy nam tính người quân tử. Phong độ ca của Đức Minh vẫn tốt, rất đáng khen.

Anh Vũ(vai kịch vụ), Hữu Quốc(Hữu Dũng) đều tròn vai ở tầng số tốt. Hữu Tài và Bích Thủy đều rất xuất sắc, ít đất nhưng đất tốt, dễ cày xới.

Nhìn chung, tổng thể vở SKVK đạt độ gần hoàn chỉnh; 5 vai quan trọng đều đạt đỉnh cao. Một công trình rất đáng được bảo lưu.

Hồ Quang ( Báo Sân Khấu)





cổ tích thời hiện đại


Trân trọng kính mời quý khán giả đón xem "Bên cầu dệt lụa" 07/10/2011 tại Nhà hát Thành Phố


Với kế hoạch dàn dựng những kịch bản cải lương kinh điển phục vụ khán giả tại Nhà hát TPHCM, sau đó diễn tại rạp Thủ Đô và quay hình phát sóng, HTVC và Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang đã dàn dựng thành công vở “Tần Nương Thất” tiếp theo là vở “Bên cầu dệt lụa” ( tác giả Thế Châu) với ê kíp diễn viên: Trọng Phúc ( Trần Minh), NSUT Thanh Ngân ( Quỳnh Nga), Hoàng Nhất ( Nhuận Điền), NSUT Thanh Điền (Quan huyện), Tiến Dũng ( nhà vua), Cẩm Thu ( Trần Mẫu), NS Lê Hồng Thắm ( Công chúa Bích Vân)…ra mắt khán giả suất hát duy nhất vào tối ngày 07/10/2011 tại Nhà hát Thành phố.
Việc tái dựng một vở cải lương đã từng tạo dấu ấn đậm nét trong lòng công chúng trên HTVC thật sự là một “thách thức” lớn đối với đạo diễn Trần Ngọc Giàu. Anh nói “ Nếu như Bên cầu dệt lụa” những lần diễn trước, người diễn viên đặt nặng vào vấn đề ca hát hơn là diễn xuất, thì lần này các nghệ sĩ nhập vai phải thể hiện hình tượng nhân vật bằng cả ca từ và cảm xúc. Các nghệ sĩ tham gia trong vở cải lương này, mặc dù thời gian tập luyện không nhiều, chỉ gần 20 ngày, nhưng tôi tin là các nghệ sĩ sẽ làm hài lòng công chúng bằng giọng hát mượt mà và khả năng diễn xuất rất “có nghề” của Thanh Ngân, Trọng Phúc, Lê Hồng Thắm, Hoàng Nhất…Bởi họ hầu hết là những diễn viên trẻ, lên sân khấu với cảm xúc mới mẻ dành cho các vai diễn được xem là để đời này. Những năm đầu giải phóng, lúc đó tôi khoảng 20 tuổi đã được xem vở cải lương Bên cầu dệt lụa do tác giả, đạo diễn Thế Châu dàn dựng trên sân khấu đoàn Thanh Nga. Tôi ấn tượng giọng ca đặc biệt , làm xao xuyến lòng người của cố NSUT Thanh Nga trong vai Quỳnh Nga và NS Thanh Sang vai Trần Minh. Có thể nói, những nghệ sĩ tham gia vở diễn đều có đất diễn và cải lương thời đó thật là hoàn chỉnh với những nguyên tắc mang tính truyền thống trong ca diễn, làm khuôn mẫu cho lớp nghệ sĩ trẻ sau này”. Vở Bên cầu dệt lụa được nhiều người yêu thích , đến độ ở các cuộc vui chơi họ thường trích một vài câu vọng cổ để ca góp vui với bạn bè. Theo tôi, một trong những lý do khiến vở Bên cầu dệt lụa sống mãi trong lòng khán giả, là bởi kịch bản này không bị mòn theo thời gian, vẫn lấy đạo lý làm gốc, lấy điều thiện thắng hung tàn, trong xã hội ngày nay vở diễn vẫn còn nguyên giá trị đối với người xem về ý thức giáo dục”.

Khán giả đang mong chờ HTVC và Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang sau hai vở “Tần Nương Thất” và “Bên cầu dệt lụa” sẽ phối hợp tổ chức nhiều vở diễn cải lương nổi tiếng như: Con gái chị Hằng, Tấm lòng của biển, Hoa Mộc Lan, Mạnh Lệ Quân, Cây sầu riêng trổ bông, Ánh sáng và bóng tối, Sau ngày cưới…để được xem các diễn viên trẻ tiếp bước thế hệ nghệ sĩ trước, bằng nỗ lực sáng tạo không ngừng.

Đưa em về quê mẹ -video