Thứ Năm, 21 tháng 4, 2011
Trọng Phúc -qua bao chi 2
Trọng Phúc – Trưởng thành từ gian nan
Yêu cải lương nhưng trưởng thành từ sân khấu ca nhạc qua những bài hát mang âm hưởng dân ca: Chiều sân ga, Đất phương Nam, Căn nhà mộng ước, Tương tư nàng ca sĩ, Cây cầu dừa… Không dừng lại ở đó, anh từng bước khẳng định tên tuổi mình trên điạ hạt sân khấu cải lương chuyên nghiệp và đã đạt được nhiều giải thưởng cao quý. Chàng ca sĩ kiêm diễn viên trẻ đó chính là Trọng Phúc.
Bước khởi đầu
Trọng Phúc có vóc dáng cao to, gương mặt điển trai và giọng hát ngọt ngào đặc sệt của vùng sông nước miền Tây. Sinh ra trong gia đình không có ai theo con đường nghệ thuật, nhưng từ thuở bé Trọng Phúc đã yêu thích dân ca, cải lương. Khi còn là học sinh trường PTTH Vĩnh Phú ( Cao Lãnh - Đồng Tháp), anh luôn là “cây đinh” văn nghệ trong các phong trào cuả trường và thị xã. Với năng khiếu ca hát vốn có, anh nuôi ước mơ sau này sẽ trở thành ca sĩ hoặc diễn viên.
Năm 1994, sau khi tốt nghiệp PTTH, anh khăn gói lên thành phố Hồ Chí Minh để thực hiện hoài bão của mình. Bước chân lên Sài Gòn giữa lúc nhiều sân khấu ca nhạc diễn ra ào ạt, náo nhiệt, ước mơ tìm một chỗ đứng cuả chàng ca sĩ trẻ này luôn vấp phải khó khăn. Như một cách tồn tại và không đầu hàng trước hoàn cảnh, ban ngày anh cùng “con ngưạ sắt” cuả mình đến nhà nhạc sĩ Doãn Bình, Thanh Sơn…học luyện thanh, còn buổi tối, anh xin hát tại một số tụ điểm ca nhạc trong các quán bar, nhà hàng, Thảo cầm viên, Đầm sen …để làm quen với sân khấu và kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc mưu sinh. Thời gian đầu đi hát anh gặp rất nhiều khó khăn trong nghề. Bởi là gương mặt mới nên luôn nằm trong vòng áp lực cuả nhiều ca sĩ đi trước. Anh không buồn mà xem đó là những bài học thử thách với nghề, giúp anh trau dồi thêm kiến thức nghề nghiệp lẫn vốn sống. Trọng Phúc thường tự nhủ mình rằng “Phải cố gắng rèn luyện chất giọng, phải đi lên bằng chính sức lực cuả mình”. Từ đó, Phúc không ngừng tiếp thu kinh nghiệm từ các thế hệ anh, chị đi trước như: Đình Văn, Phương Dung …để làm giàu thêm kiến thức và bản lĩnh sân khấu cho mình. Được sự nâng đỡ cuả các anh chị cùng với năng lực bản thân, dần dần Trọng Phúc được chấp nhận xuất hiện trên sân khấu truyền hình và đại nhạc hội Duy Ngọc, Minh Quân, Sao Đêm…
Kết duyên với sân khấu cải lương
Chuyến lưu diễn tại các nước châu Âu vào năm 1999 trong đoàn gồm có: NSƯT Lệ Thuỷ, Minh Vương và Trọng Phúc. Ngay trong đêm diễn thì nghệ sĩ Minh Vương ngã bệnh, hát không thành tiếng. Ban lãnh đạo đoàn đề nghị Phúc đóng thay chú Minh Vương. Tuy xuất thân từ dân ca nhạc nhưng đã có một thời gian dài anh đầu quân cho đoàn Văn công Đồng Tháp và được trau dồi nhiều bài bản cải lương thực thụ nên Trọng Phúc vào thay vai Trần Minh Sơn của nghệ sĩ Minh Vương trong trích đoạn “Đêm lạnh chùa hoang” rất ngọt và được đông đảo kiều bào khen ngợi. Không ngờ sau chuyến đi ấy,Trọng Phúc bắt đầu chạm ngõ và kết duyên cùng sân khấu cải lương. Trở về nước, anh có cơ hội được thử sức mình ở lĩnh vực cải lương qua một số vở được dàn dựng trên sân khấu rạp Hưng Đạo và video cải lương: “Nụ cười chị tôi”, “Yêu người điên”, “ Lời nói dối cuối cùng “…. Nhưng có lẽ ấn tượng nhất là vai Mạnh Cường - một luật sư có tài, vì quá say mê sắc đẹp và danh vọng, anh đã đánh mất hạnh phúc, niềm tin với gia đình, đồng đội trong vở “Nhảy muá với quỷ dữ”. Cũng chính vai diễn này đã mang về cho anh chiếc Huy chương vàng đầu tiên ở lĩnh vực cải lương trong Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp Nam Bộ 2002 tại Cần Thơ. Thành công nối tiếp thành công, cùng với giọng hát hay và vóc dáng cao to, “nam tính’’, Phúc được nhiều đạo diễn chọn tham gia nhiều kịch bản. Vai Văn Sĩ Long - một thanh niên say mê văn chương, hiền lành, nhân hậu và thẳng thắn trong tình yêu vở: “Rồi 30 năm sau’’( tác giả : HàTriều – Hoa Phượng, đạo diễn: NSND Huỳnh Nga) trên sân khấu Đoàn 1 Nhà hát Trần Hữu Trang. Một vai diễn khá nặng, vậy mà Trọng Phúc đã hoá thân vào nhân vật một cách xuất thần, dường như khoảng cách giữa diễn viên và nhân vật không còn nữa, nhất là lớp diễn khi mẹ và em trai của Long mở chiếc hộp có giấu cái đầu cuả cha mình. Đó là kỉ vật quý giá nhất anh luôn nâng niu, giữ gìn và tôn thờ bên mình, là niềm an ủi, động viên anh trong cuộc sống. Cái giây phút chạnh lòng đau đớn, xót xa khi anh nhìn nhận được mẹ và em. Điều này đã giúp anh tìm ra kẻ giết cha mình không ai khác chính là cha cuả người mình yêu. Cảm giác đau khổ, nghiệt ngã tột cùng được Phúc thể hiện qua ánh mắt, cử chỉ, hành động một cách thuyết phục. Cho đến vai Thành trong vở “Cung đàn nào cho em” (tác giả: Huỳnh Anh, đạo diễn: Hoa Hạ ) cũng vậy. Thành là một chàng trai quê, son sắt, thuỷ chung với mối tình tha thiết dành cho Út Lượm, mặc dù cô gái ấy đang muốn chối bỏ quá khứ và tình yêu của anh. Trọng Phúc vào vai này khá hợp, anh diễn như không cần diễn, bởi cái “tạng người” cuả anh rất hợp với những vai như thế. Với vai Thành, Trọng Phúc đã giành được tấm HCV cùng giải Diễn viên Xuất sắc trong Hội diễn Sân khấu Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2005 tại TPHCM. Ngoài ra, Trọng Phúc còn thể hiện rất xuất sắc các vai: Nhuận Điền trong “Bên cầu dệt luạ”, Minh trong “Tô ánh Nguyệt”, “Cây sầu riêng trổ bông”… Đặc biệt là vai Huy Bình - một sĩ quan được Mỹ đào tạo để phục vụ mưu đồ xâm lược của chúng trong vở “Tìm lại cuộc đời”. Huy Bình cuả Trọng Phúc với dáng vẻ bề ngoài ác độc nhưng ẩn sâu trong trái tim là một tấm lòng biết yêu thương, biết rung động, biết đứng lên cùng anh em giải phóng cho mình, cho đất nước. Một vai diễn tâm lý đầy phức tạp đã được Trọng Phúc sáng tạo và khám phá khác xa so với những vai trước đây. Không chỉ dừng lại ở đó, Trọng Phúc còn rất xuất sắc hóa thân vào vai Kim Trọng trong kịch bản “Kim Vân Kiều” của chương trình Hội ngộ Tài năng lần thứ nhất năm 2007. Tại Liên hoan Sân khấu Thể nghiệm toàn quốc 2008 - Hà Nội, Trọng Phúc đoạt Huy chương Bạc trong vở “Oan hồn”.
Thời gian gần đây, Trọng Phúc có ba vai diễn thật ấn tượng trên sân khấu. Đó là vai Thái Ngọc trong vở cải lương “Khách sạn hào hoa”, vai Huy Bình trong vở “Tìm lại cuộc đời” của Nhà hát Truyền hình Việt Nam, và vai Thương ( tướng cướp Đại Thạch) trong vở “Tình yêu và tướng cướp”. Qua ba vai diễn này, Trọng Phúc đã từng bước khẳng định khả năng diễn xuất và ca hát của mình với công chúng.
Nghệ sĩ Trọng Phúc là một diễn viên đa năng. Anh luôn được mời đóng chính với hàng chục cô đào trong các vở cải lương video, sân khấu và truyền hình như: với Cẩm Tiên trong “Vụ án Mã Ngưu” trên VTV, với Phượng Hằng trong “Yêu người điên”, với Thanh Ngân trong “Tô Ánh Nguyệt”, “Bên cầu dệt lụa”….
Hiện nay Trọng Phúc đang tập trung toàn tâm, toàn lực vào vai Thiên – một chàng thanh niên yêu rừng và biển, có ý chí phấn đấu, cầu tiến và trở thành doanh nhân thành đạt trong vở “Cổ tích thời hiện đại” của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang - tiết mục tham dự Hội diễn Sân khấu Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2009 vào trung tuần tháng 11 tại thành phố Hồ Chí Minh.
15 năm đến với nghệ thuật, Trọng Phúc từng nếm trải hương vị ngọt bùi, đắng cay của cuộc sống. Dù chưa đi đến đỉnh vinh quang, nhưng anh cảm thấy mình trưởng thành trong gian nan và đi lên bằng chính năng lực của mình.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét