Thứ Hai, 3 tháng 10, 2011

Trân trọng kính mời quý khán giả đón xem "Bên cầu dệt lụa" 07/10/2011 tại Nhà hát Thành Phố


Với kế hoạch dàn dựng những kịch bản cải lương kinh điển phục vụ khán giả tại Nhà hát TPHCM, sau đó diễn tại rạp Thủ Đô và quay hình phát sóng, HTVC và Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang đã dàn dựng thành công vở “Tần Nương Thất” tiếp theo là vở “Bên cầu dệt lụa” ( tác giả Thế Châu) với ê kíp diễn viên: Trọng Phúc ( Trần Minh), NSUT Thanh Ngân ( Quỳnh Nga), Hoàng Nhất ( Nhuận Điền), NSUT Thanh Điền (Quan huyện), Tiến Dũng ( nhà vua), Cẩm Thu ( Trần Mẫu), NS Lê Hồng Thắm ( Công chúa Bích Vân)…ra mắt khán giả suất hát duy nhất vào tối ngày 07/10/2011 tại Nhà hát Thành phố.
Việc tái dựng một vở cải lương đã từng tạo dấu ấn đậm nét trong lòng công chúng trên HTVC thật sự là một “thách thức” lớn đối với đạo diễn Trần Ngọc Giàu. Anh nói “ Nếu như Bên cầu dệt lụa” những lần diễn trước, người diễn viên đặt nặng vào vấn đề ca hát hơn là diễn xuất, thì lần này các nghệ sĩ nhập vai phải thể hiện hình tượng nhân vật bằng cả ca từ và cảm xúc. Các nghệ sĩ tham gia trong vở cải lương này, mặc dù thời gian tập luyện không nhiều, chỉ gần 20 ngày, nhưng tôi tin là các nghệ sĩ sẽ làm hài lòng công chúng bằng giọng hát mượt mà và khả năng diễn xuất rất “có nghề” của Thanh Ngân, Trọng Phúc, Lê Hồng Thắm, Hoàng Nhất…Bởi họ hầu hết là những diễn viên trẻ, lên sân khấu với cảm xúc mới mẻ dành cho các vai diễn được xem là để đời này. Những năm đầu giải phóng, lúc đó tôi khoảng 20 tuổi đã được xem vở cải lương Bên cầu dệt lụa do tác giả, đạo diễn Thế Châu dàn dựng trên sân khấu đoàn Thanh Nga. Tôi ấn tượng giọng ca đặc biệt , làm xao xuyến lòng người của cố NSUT Thanh Nga trong vai Quỳnh Nga và NS Thanh Sang vai Trần Minh. Có thể nói, những nghệ sĩ tham gia vở diễn đều có đất diễn và cải lương thời đó thật là hoàn chỉnh với những nguyên tắc mang tính truyền thống trong ca diễn, làm khuôn mẫu cho lớp nghệ sĩ trẻ sau này”. Vở Bên cầu dệt lụa được nhiều người yêu thích , đến độ ở các cuộc vui chơi họ thường trích một vài câu vọng cổ để ca góp vui với bạn bè. Theo tôi, một trong những lý do khiến vở Bên cầu dệt lụa sống mãi trong lòng khán giả, là bởi kịch bản này không bị mòn theo thời gian, vẫn lấy đạo lý làm gốc, lấy điều thiện thắng hung tàn, trong xã hội ngày nay vở diễn vẫn còn nguyên giá trị đối với người xem về ý thức giáo dục”.

Khán giả đang mong chờ HTVC và Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang sau hai vở “Tần Nương Thất” và “Bên cầu dệt lụa” sẽ phối hợp tổ chức nhiều vở diễn cải lương nổi tiếng như: Con gái chị Hằng, Tấm lòng của biển, Hoa Mộc Lan, Mạnh Lệ Quân, Cây sầu riêng trổ bông, Ánh sáng và bóng tối, Sau ngày cưới…để được xem các diễn viên trẻ tiếp bước thế hệ nghệ sĩ trước, bằng nỗ lực sáng tạo không ngừng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét